Tiểu luận của tác giả trẻ Lê Thị Ngọc Trâm ở Quảng Nam

Tiểu luận của tác giả trẻ Lê Thị Ngọc Trâm ở Quảng Nam

Lê Thị Ngọc Trâm sinh ngày 14.02.1995, hiện là giáo viên ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã có bài đăng trên báo chí. Dưới đây là tiểu luận của Lê Thị Ngọc Trâm viết về truyện ngắn của Tăng Văn Chung, cũng là một cây bút trẻ vùng đất Quảng Nam hiện là giáo viên ngữ văn Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, thị xã Điện Bàn.

tieu luan h1

Tác giả trẻ Lê Thị Ngọc Trâm

 

Truy vấn hiện sinh trong truyện ngắn của Tăng Văn Chung

 “mưu sinh thật nhọc nhằn, đừng quá ước lệ, đừng quá vô tình”

 Trên con đường mưu sinh nhọc nhằn, cây bút trẻ Tăng Văn Chung đã khai phá nội tâm mình bằng cách sáng tác văn chương. Với Chuyện tình của mỗi người, Tự sự với người chưa quen, Có ai đó không, Tan vỡ, Khuôn mặt tình yêu… thầy giáo tài hoa xứ Quảng đang dần khẳng định bản sắc truyện ngắn của mình: một phong vị hiện sinh qua giọng văn thấm đẫm chất thơ.

Cuộc truy tìm bản thể

Từ sự mơ hồ bản thể giữa nhân gian vô nghĩa…

Nhân gian trong truyện Tăng Văn Chung là cõi người vô cảm và sự thực dụng như một vệt dầu loang. Như Vũ Trọng Phụng đã lập luận trong cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề dâm hay không dâm trong sáng tác của ông: “Xã hội này có vết thương, tôi phô nó ra để ngài biết mà chạy chữa”.  Tăng Văn Chung chọn nhìn thẳng vào hiện thực khắc nghiệt và những hậu quả của đời sống vật chất hóa, con người đang dần đánh mất văn hóa người, chỉ sống bằng bản năng hoặc trở thành một loại máy móc.

Cõi người xù xì ấy chính là nguyên cớ hoặc là phông nền cho sự mơ hồ và những truy vấn hiện sinh trong truyện ngắn Tăng Văn Chung. Nhân vật trung tâm trong truyện của tác giả thể hiện niềm băn khoăn về tương lai, về một bản thể chưa rõ hình hài. Con người mơ hồ về lý tưởng sống, không tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời: “đời anh chưa có miền xác định”, “làm gì cũng không biết trước làm gì” (Khuôn mặt tình yêu); “Tôi cắn môi, thấy sự vô nghĩa đến tận cùng”, “tự dưng tôi thấy đời vô nghĩa” (Chuyện tình của mỗi người). Hay khi con người trong mối quan hệ yêu đương thì hoặc tình yêu trở thành một chiếc bình rỗng hoặc trở thành một câu hỏi lớn. Trong Chuyện tình của mỗi người, cô gái: “tôi không định hình được tình yêu”; trong Tan vỡ: Hồng hỏi Khanh: “có phải tụi mình yêu nhau không?”. Con người không hiểu cảm xúc của chính mình và hoài nghi: Tình yêu là xác thịt hay là một loại nghĩa vụ? Cô gái trong Có ai đó không đã nhầm lẫn giữa tình yêu và dục vọng. “Thợ săn” hấp dẫn em bằng: hình thể, mùi mồ hôi trên áo, cái ôm…- yếu tố khơi gợi nhục cảm. Sự mơ hồ tình yêu bắt nguồn từ sự xa lạ với chính bản thân mình: “tôi không hiểu nổi mình” (Khuôn mặt tình yêu). Mơ hồ bản thể là căn nguyên cho cuộc đời trống rỗng, nguy cơ con người bị hòa tan giữa nhân quần.

… đến sự định hình bản sắc nhân vị giữa thế giới tha nhân

Hầu hết các truyện ngắn của Tăng Văn Chung đều miêu tả nhân vật ở hành trình mưu sinh trải nghiệm nhưng hành trình ấy không có sự kiện bước ngoặt làm thay đổi số phận mà cốt để nhân vật chiêm nghiệm, xúc cảm. Trong dòng tâm thức ấy, kỉ niệm luôn nồng hậu, hiện tại là mảnh vỡ. Nhà văn đặt nhân vật ở hai loại không gian: không gian làng quê (chưa dấn thân) và không gian thành thị (dấn thân mưu sinh). Không gian quê hương gần gũi, nuôi dưỡng xúc cảm, đầy ắp mộng tưởng như “hồ thu trong xanh” (Tự sự với người chưa quen); “mười năm trước…nghĩ mình như biển,…bình yên…hồn nhiên… dữ dội.”(Tan vỡ). Không gian thành thị người “như vô tình”, lạnh lùng, tàn nhẫn khiến lòng không còn trong trẻo. Cô bé trong Chuyện tình của mỗi người từ giã “những thửa ruộng bậc thang- nơi lầm lũi dáng mẹ bước thấp bước cao” để xuống thành phố học, kiếm tìm công danh. Nhưng ở không gian mới, cô như “con nai trên núi chạy xuống”, lạc loài giữa một đám bạn học không hề biết “hát tình ca nghêu ngao”, chỉ có những quan hệ chóng vánh, những đùa cợt sáo rỗng, những ái tình xác thịt, những đôi mắt lườm nguýt… Nhân vật “tôi” nghiệm được: “Hương hoa trong gió có người ngửi thấy, có người không”, “nhận ra cái nhìn hẹp hòi của thế gian”. Sự dịch chuyển của nhân vật qua các mảng không gian, sự hồi cố của nhân vật về thời trong xanh đã giúp nhân vật đánh thức lương tâm, đi từ sự mơ hồ bản thể đến việc định hình bản sắc nhân vị giữa thế giới tha nhân.

Con người đã ý thức sự đối lập giữa cái tôi và phi tôi. Bản sắc nhân vị của nhân vật trong truyện Tăng Văn Chung là những con người duy tình, duy cảm đối lập với thế giới duy lý, vô tình; là con người chân chất, mộc mạc, mơ mộng lạc lõng giữa thế giới nhiều cạm bẫy, mất mát, bất hạnh.

Nỗi buồn trở thành đặc tính khu biệt cái tôi đối với thế giới phi tôi. “Nhận ra mình đang buồn kinh khủng” (Khuôn mặt tình yêu). Nỗi buồn là loại cảm xúc mang bản chất người, nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp “chỉ có nỗi buồn là vĩnh cửu”. Nỗi buồn của nhân vật trong truyện Tăng Văn Chung xuất phát từ nỗi lo bị nhập nhòa giữa bản thể và tha nhân. Trong Tan vỡ, Khanh lo sợ rằng “hồ nước trong veo của Hồng” vẫn khiến Khanh không tìm thấy bóng mình trong đó. Và bởi vì, Hồng không có nỗi buồn vặt vãnh nên Khanh không thể cùng hòa điệu: “Làm sao Hồng bắt được ý nghĩ của tôi. Hồng không có nỗi buồn vặt vãnh”.

Nỗi buồn còn khởi sinh từ niềm khát khao được kết nối. Quỳnh nói: “mình thì thèm được san sẻ biết bao nhiêu” (Tan vỡ). Trong Khuôn mặt tình yêu, nhân vật tôi cảm thấy “mình lạc loài quá”. Trong Chuyện tình của mỗi người, cô gái khao khát một “bàn tay ấm nóng” và hơn cả là một tâm hồn ấm nóng như bàn tay. Nếu Vòng trầm luân trần gian (Tạ Duy Anh), con người cô đơn đến độ phải “tâm sự chuyện đời với một con bò” thì Tăng Văn Chung đem chuyện mình tâm sự với người chưa quen. Cô đơn là cảm thức về con người trong thế giới nghệ thuật của tác giả. Lê Huy Bắc nhận định quan hệ giữa con người của kỉ nguyên hậu hiện đại dường như “là mảnh vỡ, là chắp nối, là những phiến đoạn chia cắt của cuộc đời”. Cõi nhân sinh trong truyện Tăng Văn Chung là những mảnh vỡ phận người. Những cá thể đặt cạnh nhau không có sự hòa điệu tâm hồn tạo ra mảnh vỡ tình yêu. Hạnh phúc mong manh như gió, hôn nhân đổ vỡ bất ngờ hóa thành mảnh vỡ gia đình. Đáng nói, trong cõi người thất lạc ấy, người ta nói về những đổ vỡ như một lẽ hiển nhiên, như trong Chuyện tình của mỗi người, khi cô gia sư hỏi học trò: “ Mẹ đâu?”, chúng trả lời lạnh ngắt: “ Mẹ bỏ đi rồi”.

Vậy, bản sắc nhân vị ấy đã chọn một cách ứng xử như thế nào? Nhân vật trong truyện Tăng Văn Chung mang bi kịch của con người không dám sống hiện sinh.  “Gian nan là khi không sống được với chính mình” (Tự sự với người chưa quen). Nhưng phải chăng, khi sống là chính mình thì còn gian nan gấp bội? Duy tình, duy cảm liệu có nâng đỡ con người giữa một thế giới khắc nghiệt, hững hờ? Nhân vật từ chối hiện sinh vì gánh nặng mưu sinh, dù yêu thương nhưng không dám mạo hiểm: “Tôi bảo Thương: Tụi mình tay trắng, đừng phiêu lưu” (Tự sự với người chưa quen), dù đồng điệu nhưng không đủ dũng khí nên Khanh chưa một lần tỏ tình với Quỳnh (Tan vỡ). Trang văn Tăng Văn Chung vì vậy còn là nỗi niềm ray rứt của một con người ý thức rằng: hiện sinh chỉ là tưởng tượng, vườn Địa Đàng chỉ là ảo mộng. Con người muốn tự do thực thi triết lý tình thương, chủ nghĩa duy cảm, hoài bão văn chương nhưng lại bị giam cầm về điều kiện, phương tiện, hoàn cảnh. Nhân vật đi tìm lời đáp, mất nửa đời người, vẫn tuyệt mù vô vọng. Hầu hết các truyện của Tăng Văn Chung đều kết thúc mở, điểm dừng của mạch truyện thường rơi vào khoảnh khắc nhân vật đứng trước một bước ngoặt, Tăng Văn Chung để ngõ cho nhân vật chìm vào cuộc suy tư số phận, chúng ta không biết nhân vật sẽ để cuộc đời họ diễn ra như thế nào tiếp theo. Ở truyện ngắn Có ai đó không? thực sự đánh dấu sự trưởng thành đến sắc lạnh của nhà văn xứ Quảng này. Câu chuyện được mở ra bằng một lời thú tội của một sát nhân giết chết cha mình bằng vẻ mặt vô cảm. Hành động của sát nhân chính là một cách tự vệ để chống lại sự tha hóa.

Các nhà hiện sinh chủ nghĩa quan niệm: con người như là một thực thể hiện sinh, nó phải tự biết mình là ai, đang ở đâu, cần và sẽ phải làm gì. Như vậy, thế giới nhân vật của Tăng Văn Chung mới chỉ là những nét phác họa, ý thức hiện sinh mà chưa chuyển thành hành động hiện sinh, hoặc mới chỉ là những hành động tự vệ một cách bị động mà chưa chủ động mở ra con đường đi cho mình.

tieu luan h2

Tác giả trẻ Tăng Văn Chung

Lối tự sự đẫm chất thơ

Tác phẩm Tăng Văn Chung có lối hành văn thấm đẫm chất thơ, hầu hết được trần thuật ở ngôi thứ nhất xưng tôi theo điểm nhìn nhân vật. Nhân vật triền miên trong suy nghĩ chủ quan của điểm nhìn bên trong. Phương thức kể nương theo dòng tâm thức, cảm xúc: nhớ, buồn, thương, tủi…Trong Tự sự với người chưa quen, nhân vật tôi trôi theo nỗi nhớ: “nhớ khoảng sân phía sau trường, những cây bàng lặng lẽ, mơ màng nắng, mơ màng lá, mơ màng chuồn chuồn bay”; trong Khuôn mặt tình yêutôi làm sống dậy từng mảng hoài niệm… Ngôn ngữ truyện kể có sự kết hợp giữa kể, tả, bình luận vừa có cái ám ảnh số phận của người kể chuyện xưng tôi. Sự ám ảnh lạc loài và chất thơ bàng bạc tạo nên thứ ngôn ngữ mảnh đoạn với những chấm câu tùy tiện của kẻ lặng lẽ ngồi quan sát từng thước phim buồn bã, đau xót của cuộc đời. Ví như câu văn: “Xe lại “banh”. Dừng. Cằn nhằn. Nhàu nhĩ. Nửa đường”, “Rồi nhận lương. Rồi bạn bè cười nói. Rồi hết” (Khuôn mặt tình yêu). Ngôn ngữ mảnh đoạn của người kể chuyện như bị lạc trong thế giới cô đơn của một con người sở hữu một trái tim đa cảm. Nhân vật tôi không chỉ đóng vai trò kể về những sự kiện, tình tiết truyện mà còn là lời của tác giả tự vấn, của cái tôi thực sự trải nghiệm. Truyện ngắn Tăng Văn Chung vì vậy mang dấu ấn của tự truyện.

Một điểm đáng chú ý ở truyện ngắn Tăng Văn Chung là phương diện lời đối thoại, độc thoại. Ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật trong truyện Tăng Văn Chung rời rạc, vô âm sắc, thường là đối thoại tranh biện giàu tính luận đề như sự tranh biện về con đường mưu sinh giữa cha và con (Tự sự với người chưa quen), sự đối thoại về tình yêu giữa Khanh với Quỳnh (Tan vỡ), sự phản biện về tội lỗi của những người cán bộ (Có ai đó không?)…Có những đoạn triết lý nhân sinh, như lời của cán bộ đồng cảm với chính sát thủ trong Có ai đó không: “Em à, con người phức tạp hơn một cây sậy. Chúng ta kiêu hãnh lẫn khổ đau trong toàn bộ thành tựu và dã man của mình. Kiến trúc và điêu tàn. Đền đài và hoang phế. Không thôi lý giải và phạm quy”. Tại đây, hầu như không còn người kể chuyện, chỉ có những lượt lời của một kẻ sát nhân (tội phạm) và một người đại diện cho pháp luật (cán bộ) trong một cuộc hỏi cung. Các nhân vật tự đóng vai người kể chuyện cho câu chuyện đời mình. Với kết cấu đặc biệt ấy, nhà văn đã để người đọc vào vị thế của một phiên tòa, lắng nghe những khoái cảm tội lỗi lẫn cuộc đào thoát tội lỗi của sát nhân giết cha. Tuy nhiên, không còn là một cuộc luận tội mà trở thành sự hóa giải. Sát nhân trở thành nạn nhân, người có quyền trừng phạt lại trở thành người bao dung đồng cảm: “em có tin là, ai cũng có thể trở thành sát thủ không?”. Vấn đề kết tội đã có luật pháp, vấn đề thấu hiểu cho bi kịch con người mới là đích đến của văn chương chân chính. Ngoài ngôn ngữ đối thoại thì độc thoại chiếm phần lớn dung lượng diễn ngôn truyện kể. Nhân vật tôi thường triền miên trong những lời độc thoại nội tâm như một hình thức diễn ngôn thơ, điều này đã tô đậm tính chủ thể trong dự án sống của các nhân vật.

Truyện ngắn Tăng Văn Chung thấm đẫm chất thơ còn bởi sự trau chuốt ngôn từ của tác giả. Mỗi câu văn đều mẫu mực, độc lập và giàu sức gợi như một câu thơ tình tự. Tác giả rất chú ý tính nhịp điệu của ngôn từ. Đặc biệt, thiên nhiên cũng trở thành một diễn ngôn. Thiên nhiên mơ mộng trong Tan vỡ: “hình như là đêm giữa tháng, trăng treo lơ lửng giữa trời”, “ dãy núi mờ sương trăng”, “ gió mải miết, cuốn tung vầng bụi đỏ”, “tháng sáu, nắng vàng… tôi chở quỳnh đi trong sắc vàng mộng mị”.…  hay hình ảnh dòng sông trong Tự sự với người chưa quen: “tôi đạp xe, hàng xà cừ bên đường tơi bời trút lá. Gió đuổi lá đuổi nhau chạy mãi.”; trong Có ai đó không? , thiên nhiên hiện lên qua “những ngày không mưa, cằn cỗi cả một tiếng chim ban mai. Rồi đồi nối đồi im lìm những ngày mưa giăng”. Ngôn ngữ thiên nhiên đóng vai trò gián cách sự kiện, lấp đầy những khoảng trống đối thoại, khiến những lời thoại phả vào không trung, mất hút. Thiên nhiên trong sáng tác Tăng Văn Chung còn mở ra chân dung một miền quê miên viễn được nhìn qua lăng kính của một con người yêu xứ sở này đến nồng hậu. Đôi khi, thiên nhiên trở thành một ẩn dụ: “cửa sổ khóc, từng sợi mưa” (Chuyện tình của mỗi người), ngoại cảnh diễn đạt bức tranh tâm cảnh, nói thay lòng người.

Những ẩn dụ đó đã tăng chất thơ cho truyện ngắn Tăng Văn Chung. Trong Có ai đó không, hàng loạt ẩn dụ được tạo ra: cái bẫy, đường bay, thợ săn… con người mơ về những đường bay nhưng hóa thành con mồi cho tên thợ săn sực mùi dục vọng, con chim tập bay bị dính tên, giương mắt chờ chết nhìn thợ săn. Lúc khác, tác giả dùng hình ảnh đá vọng phu để chỉ gương mặt của Lệ và cũng để họa gương mặt chính “tôi” (Khuôn mặt tình yêu). Mỗi truyện thường có hình ảnh đóng vai trò là biểu tượng cho những gì vĩnh cửu, cao quý để đối lập với cái hữu hạn hèn mọn của con người. Trong Tan vỡ, đó là hình ảnh của dòng sông. Trong Có ai đó không là hình ảnh trời xanh, trong Chuyện tình của mỗi người đó là vườn địa đàng, trong Có ai đó không là lâu đài và quê hương là biểu tượng trong Tự sự với người chưa quen. Tuy nhiên không vì vậy mà truyện Tăng Văn Chung sa vào ủy mị hão huyền, bởi chính nhà văn cũng đã quan niệm: đừng quá ước lệ. Đọc truyện Tăng Văn Chung, vừa ngẩn ngơ chìm vào dòng cảm xúc của nhân vật, vừa tỉnh táo để nhấm nháp vị mặn chát của đời. Ngôn ngữ đời thường dung tục đã được Tăng Văn Chung tận dụng để tăng chất đời, để ngôn ngữ luôn là một loại vũ khí khiến con người chấn thương.

Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên giọng văn cảm thương trong sáng tác Tăng Văn Chung. Dù có những đoạn văn vô âm sắc, tác giả vẫn không giấu nổi một niềm trắc ẩn dành cho phận người, kiếp đời. Nỗi buồn, sự cô đơn không đánh gục con người, nhân vật của Tăng Văn Chung cố gượng dậy để không bị trộn lẫn và biến mất giữa tha nhân. Họ hồi sinh bản năng sống ngay trong những lúc tuyệt vọng nhất. Tên thợ săn trong Có ai ở đó không đã bị dục vọng đẩy đến hành động mang tính bản năng chết: gây hấn và ăn thịt đồng loại. Ngược lại, người con gái suy đồi lại hành động theo bản năng sống: “em chỉ có ý nghĩ duy nhất là bổ xuống cha em một nhát” như một cách để tiêu diệt cái ác trong vô vọng. Trong Tự sự với người chưa quen, nhân vật tôi mang theo hành trang là nỗi buồn và những bài học luân lý của mẹ để vào đời: “Mẹ bảo: thời nào, làm gì cũng không được vô tình”. Khi con người đổ vỡ, chới với giữa dòng đời thì “xa xa, ở một bến nước, hình như bóng mẹ lặng lờ”. Mẹ, quê mẹ trở thành motif trong sáng tác của anh, như biểu tượng cho cái bình yên thuở trước, điểm tựa cho mỗi con người. Đó là vẻ đẹp lấp lánh, níu giữ niềm hi vọng giữa nhân sinh vô tình. Và phải chăng nỗi sợ hãi, khổ đau cũng chính là dị bản của một nỗi yêu thương sâu xa thăm thẳm? (Cuộc đối thoại – Như Huy). Tính duy cảm chính là chỗ dựa cho sự cô đơn hoang vắng ở trong lòng nhà văn. Và yếu tố biểu cảm ấy lại không làm giảm đi tính đối thoại. Kết thúc truyện Có ai đó không?, hình ảnh “hôm ấy chi có trời xanh và cao đến chơi với” khiến người đọc không khỏi trăn trở: điều gì che chở cho con người khỏi tội lỗi, điều gì có thể khiến cho con người tự do hiện sinh mà không phải trở thành một kẻ giết người… Tăng Văn Chung không chỉ dẫn bạn đọc mà người đọc phải dừng lại, phải đặt câu hỏi chất vấn và suy ngẫm.

Tăng Văn Chung ngoài đời thực mà chúng tôi biết là con người điềm đạm, nồng ấm, luôn truyền nguồn năng lượng tích cực cho mọi người. Đằng sau ấy là những trăn trở, suy tư phận người đã hóa thành một thứ ngôn từ ít nhiều mang phong vị hiện sinh, mang chất thơ bàng bạc cùng những dấu ấn của cách viết hậu hiện đại. Viết, với anh, cũng chính là một cách sống hiện sinh giữa đời!

LÊ THỊ NGỌC TRÂM

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: